Mid-page advertisement

Không đăng ký kết hôn, con có được mang họ cha?

Thứ năm - 22/12/2022 02:42
Không đăng ký kết hôn, con có được mang họ cha?
Không đăng ký kết hôn, con có được mang họ cha?
Hai người không đăng ký kết hôn mà có con khi đi đăng ký khai sinh cho con thường gặp khá nhiều băn khoăn về việc con có được mang họ cha khi chưa đăng ký kết hôn? Vậy pháp luật quy định thế nào?
 

Anh Lê Đăng N. (Quảng Ninh) gửi câu hỏi: 


Câu hỏi: Tôi và người yêu sống với nhau nhưng chưa đăng kí kết hôn. Hiện giờ, chúng tôi sắp sinh cháu. Vậy cho tôi hỏi, chúng tôi chưa đăng ký kết hôn thì có khai sinh cho cháu được không? Nếu tôi muốn cháu được mang họ của mình có được không?


1. Chưa đăng ký kết hôn, con có được khai sinh không?

Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Điều 30. Quyền được khai sinh, khai tử

1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

Do đó, khi trẻ được sinh ra thì có quyền được khai sinh không phụ thuộc vào việc cha mẹ có đăng ký kết hôn không.

Đồng thời, khi đi đăng ký kết hôn, các giấy tờ cần nộp và cần xuất trình được quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP gồm:

- Nộp các giấy tờ: Tờ khai, giấy chứng sinh hoặc các giấy tờ thay thế giấy chứng sinh,

- Xuất trình các loại giấy tờ: Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc các loại giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân, còn giá trị sử dụng; giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Nếu cha mẹ đã đăng ký kết hôn thì xuất trình giấy đăng ký kết hôn.

Như vậy, có thể thấy, khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì nếu khai sinh cho con sẽ không phải xuất trình đăng ký kết hôn nhưng con vẫn được đăng ký khai sinh theo quy định. Trong trường hợp này, trẻ sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha.

 

2. Con có được mang họ cha khi chưa đăng ký kết hôn?

Theo khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự, họ của cá nhân được xác định như sau:

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Đồng thời, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, khi đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con sẽ theo mẹ, phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh sẽ để trống.

Do đó, khi chưa đăng ký kết hôn, con sẽ vẫn được đăng ký khai sinh theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, phần họ tên, thông tin về người cha sẽ bị để trống và họ của người con sẽ được xác định theo họ mẹ.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 15 Nghị định 123 có nêu:

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Như vậy, thông thường, khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con sẽ mang họ của mẹ, thông tin về người cha sẽ để trống. Tuy nhiên, nếu người cha làm thủ tục nhận con cùng thời điểm đăng ký khai sinh thì Uỷ ban nhân dân sẽ kết hợp cả hai thủ tục nêu trên.

Theo đó, họ của con sẽ theo cha hoặc mẹ căn cứ vào thoả thuận của cha, mẹ. Bởi vậy, nếu cha mẹ chưa kết hôn nhưng có thoả thuận con mang họ cha thì khi thực hiện đồng thời hai thủ tục nhận cha con và đăng ký khai sinh, đứa trẻ hoàn toàn có quyền được mang theo họ của người cha.


3. Nhiều hệ luỵ khi sống thử mà không đăng ký kết hôn

Không chỉ gặp rắc rối khi đăng ký khai sinh cho con nếu sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, nam nữ sống thử còn đối mặt với nhiều thiệt thòi khác về mặt pháp lý. Có thể kể đến:

- Nếu một trong hai bên có người thứ ba: Việc sống thử giữa hai người còn độc thân mặc dù xã hội không khuyến khích nhưng pháp luật không cấm. Tuy nhiên, nếu một trong hai bên đã có gia đình thì người sống chung với người có gia đình có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự:

  • Bị phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
  • Chịu trách nhiệm hình sự đến 03 năm tù về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự.

- Chia tài sản khó khăn nếu không thể thoả thuận: Việc giải quyết tài sản của các cặp đôi sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn thực hiện theo thoả thuận của nam, nữ. Nếu không có thoả thuận hoặc không thể thoả thuận thì sẽ rất khó để xác định đó là tài sản chung.

Bởi nếu đăng ký kết hôn, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung vợ chồng nhưng nếu chỉ sống chung với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn thì sẽ không tồn tại quy định này giữa hai người.

Do đó, nếu không có căn cứ chứng minh đây là tài sản chung thì sẽ khó để đảm bảo người nào cũng sẽ được chia tài sản trong thời gian sống chung với nhau.

- Khó xác định được vấn đề cấp dưỡng: Bởi không phải trường hợp nào khi khai sinh cho con, một trong hai người còn lại sẽ thực hiện đồng thời thủ tục nhận cha mẹ con. Do đó, để được cấp dưỡng cũng cần phải có chứng cứ chứng minh mối quan hệ cha mẹ con theo quy định.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Con có được mang họ cha khi chưa đăng ký kết hôn? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ với chuyên gia pháp lý của Văn phòng Luật sư Hanel để được giải đáp chi tiết.

Tác giả: Biên tập

Nguồn tin: Tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VIDEO CÁC HOẠT ĐỘNG

DỊCH VỤ CHÍNH

TƯ VẤN NHANH

Văn phòng 39 Nguyễn An Ninh


Văn phòng TT Vân Đình


Thích Fb của Hanel

THỐNG KÊ

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,106
  • Tháng hiện tại27,551
  • Tổng lượt truy cập907,196

Đến với Văn phòng luật HANEL tại thị trấn Vân Đình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây