Cho vay là giao dịch dân sự phổ biến và thường xuyên trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu cho vay với lãi suất như thế nào là đúng, với lãi suất như thế nào là trái quy định, không phải cứ tiền trong túi của mình cho người khác vay với lãi suất bao nhiêu cũng được. Thấu hiểu được các rủi ro khi xác lập các giao dịch về cho vay với các mức lãi suất khác nhau nên Văn phòng Luật sư Hanel có bài viết dưới đây để phần nào giúp khách hàng hiểu biết và trách được các rủi ro pháp lý khi xác lập quan hệ cho vay:
Theo quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về tội “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, khi tham gia giao dịch dân sự mà người nào có hành vi cho vay với mức lãi cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể hành vi đó bị truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là 20%/năm của khoản tiền vay, vì thế lãi suất cho vay có dấu hiệu vi phạm quy định luật Hình sự là từ 100%/năm của khoản tiền vay trở lên. Ví dụ: Ngày 06/12/2018, anh Lê Huy X cho bà Hoàn Thị Y vay 900 triệu đồng, thời hạn vay là 01 năm, lãi suất vay trong hạn là 120%/năm.
Rõ ràng trong ví dụ trên, anh X có dấu hiệu vi phạm quy định của luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trường hợp anh X có thu lợi bất chính từ việc cho bà Y vay số tiền với mức lãi suất như trên từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ về hành vi trên hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà chưa được xóa án tích thì rất có thể hành vi của anh X bị truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về mức hình phạt anh X phải chịu trách nhiệm trước pháp luật: Mức hình phạt nhẹ nhất mà người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị áp dụng đó là hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; Và mức hình phạt nặng nhất có thể là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, còn có thể có hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu có thắc mắc cần giải đáp hay sử dụng Gói dịch vụ của chúng tôi, quý khách hàng vui lòng liên hệ theo địa chỉ dưới đây:
Đơn vị: Công ty Luật TNHH MTV Pháp lý Hanel (VPLS Hanel)
Địa chỉ: Tầng 2 số 39 Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 098.999.2007 – 04.66514061
Email: vanphongluatsuhanel@gmail.com