Về vấn đề này, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HANEL giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
- Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
- Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư 04/2020/NĐ-BTP thì hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về Việt Nam như sau:
- Giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.
- Tờ khai theo mẫu quy định;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;
Trường hợp không có giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ.
- Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.
Việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em khi đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.
Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi đăng ký khai sinh thì:
Ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.
Nếu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về Việt Nam theo Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình hồ sơ theo mục 2.
- Trường hợp không có giấy tờ quy định thì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
+ Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.
Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.
+ Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi;
Quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
Lưu ý: Trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.
- Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật Hộ tịch 2014. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Theo Điều 22 Thông tư 04/2020/NĐ-BTP quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài như sau:
- Công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nếu có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch, cấp Trích lục ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh và bản sao Giấy khai sinh cho người yêu cầu.
- Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn để làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, thì thực hiện tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc nơi đăng ký kết hôn mới.
Như vậy, nếu đã đăng ký khai sinh ở cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì sau khi về cư trú tại Việt Nam thì không cần phải đăng ký khai sinh.
Đồng thời, nếu có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc đã đăng ký khai sinh thì đến cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền để thực hiện.
Tác giả: Biên tập
Những tin mới hơn
Văn phòng 39 Nguyễn An Ninh
Văn phòng TT Vân Đình