các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp và các phương thức giải quyết tranh chấp
2023-09-25T21:30:26-04:00
2023-09-25T21:30:26-04:00
https://luathanel.com/dich-vu-phap-ly/van-phong-luat-su-hanel-hotline-button-position-fixed-top-25-right-0-background-linear-gradient-98-88deg-6db4f5-25-31-4c99db-18-62-4299e5-52-38-54a6f1-94-98-4490d3-119-04-box-shadow-0px-4px-4px-rgb-0-0-0-25-border-radius-15px-0px-0px-15px-padding-10p-450.html
/themes/default/images/no_image.gif
Văn phòng Luật sư Hanel
https://luathanel.com/uploads/logo_hanel_2_3.png
Thứ bảy - 26/08/2023 02:10
Cơ sở pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Luật Trọng tài thương mại 2010’
- Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về hòa giải thương mại.
1. Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là gì?
- Tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là những mâu thuẫn, những bất đồng giữa các cá nhân, tổ chức trong công ty phát sinh trong quá trình thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp gồm: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”
Như vậy, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp rất đa dạng, xuất hiện ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp hiện nay.
2. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ:
- Thứ nhất, do chưa nắm bắt được quy định của pháp luật: Mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, khi mới thành lập sẽ dễ dàng quản lý các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, qua thời gian thì doanh nghiệp sẽ phát triển và mở rộng quy mô quản lý, kéo theo đó là các vấn đề về nhân sự, phạm vi kinh doanh, vốn, các báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…Nếu như không có một đội ngũ nhân sự có hiểu biết các quy định của pháp luật thì rất khó để điều hành và bảo vệ doanh nghiệp với một hành lang pháp lý an toàn và tránh khỏi các tranh chấp.
- Thứ hai, mô hình doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, các nhà đầu tư thường chủ quan và có xu hướng tìm những người thân, quen biết để hợp tác tổ chức thành lập doanh nghiệp. Do đó, có thể các vấn đề của doanh nghiệp không được giải quyết minh bạch, rõ ràng. Dẫn tới việc ảnh hưởng tới quyền lợi của những người cùng góp vốn, điều hành doanh nghiệp và xảy ra tranh chấp.
Thứ ba, trong bối cảnh tình hình hiện nay, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hậu dịch bệnh covid, suy thoái, lạm phát…Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, tìm kiếm thị trường, phải cắt giảm nhân sự…Dẫn tới việc một số nhà đầu tư có một số quyết định chưa chính xác, có thể ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của cổ đông, thành viên góp vốn…và dẫn tới tranh chấp.
3. Các tranh chấp nội bộ thường gặp:
Các tranh chấp nội bộ thường gặp gồm:
Thứ nhất, tranh chấp giữa công ty với các thành viên góp vốn, cổ đông công ty: Tranh chấp này xảy ra chủ yếu liên quan đến tranh chấp giữa thành viên/cổ đông không góp đủ vốn theo cam kết góp/đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tranh chấp định giá tài sản khi góp vốn, không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn; tranh chấp về quyền và lợi ích, phân chia lợi nhuận.
Thứ hai, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau về quyền quản lý và điều hành doanh nghiệp: Thông thường tranh chấp các vấn đề về chọn người đại diện theo pháp luật, các tranh chấp gắn liền với quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông trong công ty. Các tranh chấp liên quan tới việc thành viên, cổ đông nào sẽ là người giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT…
Thứ ba, tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH; Thành viên HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc trong CTCP và CT TNHH 2TV: Là tranh chấp phát sinh từ nghị quyết, quyết định của Chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông… như không chấp nhận quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên vì cho rằng những quyết định này không công bằng, không hợp pháp gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông, thành viên công ty…
Thứ tư, tranh chấp giữ công ty với người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, ví dụ như Giám đốc công ty điều hành công ty không đúng với sự chỉ đạo của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị…
4. Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Khi xảy ra phương thức giải quyết nội bộ trong công ty, chúng ta có thể áp dụng các phương thức giải quyết như tranh chấp trong kinh doanh thương mại như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.
4.1. Phương thức thương lượng
Phương thức thương lượng là phương thức đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là phương thức đơn giản nhất nên hầu như khi bắt đầu có tranh chấp xảy ra các cá nhân tổ chức đều lựa chọn giải quyết.
Với phương thức này, các bên trong tranh chấp chủ động gặp gỡ nhau, bàn bạc, thỏa thuận về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.
Ưu điểm: Diễn ra nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho các bên đang xảy ra tranh chấp.
Nhược điểm: Kết quả giải quyết cũng do các bên lựa chọn nên phương thức này đem lại hiệu quả thường không cao trong trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được.
4.2. Phương thức giải quyết bằng Hòa giải thương mại tại Trung tâm hòa giải thương mại
Cơ sở pháp lý: Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về hòa giải thương mại.
Khái niệm: Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Ngoài hai bên tranh chấp tham gia, trong hòa giải thương mại còn có bên thứ ba là hòa giải viên thương mại – là cầu nối, trung gian giúp các bên giải quyết những khúc mắc trong tranh chấp.
Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải:
Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Ưu điểm:
- Các bên sẽ không bị gò bó, tiết kiệm về thời gian chi phí bởi thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn và thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên.
- Chi phí giải quyết hòa giải cũng thấp hơn so với những phương thức khác bởi chi phí để giải quyết hòa giải thông thường là mức chi phí cho từ một hoà giải viên làm việc trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện việc hoà giải.
- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Nhược điểm:
- Hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp.
- Hòa giải viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên. Do đó, hòa giải tại Trung tâm hòa giải thương mại chỉ mang tính chất trung gian, muốn hòa giải thành thì phải dựa vào thiện chí của các bên có tranh chấp.
4.3. Phương thức giải quyết bằng Trọng tài thương mại
Căn cứ pháp lý: Luật trọng tài thương mại 2010
Khái niệm:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trình tự, thủ tục tiến hành:
Bên nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đơn; Sau khi Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài thì phía Bị đơn sẽ nộp bản tự bảo vệ hoặc kiện lại gửi đến Trung tâm trọng tài thương mại; Trung tâm trọng tài thương mại tiến hành thành lập Hội đồng trọng tài để mở phiên họp giải quyết tranh chấp; Sau khi kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
Ưu điểm:
- Bảo mật thông tin. Khi giải quyết theo phương thức Trọng tài, Trọng tài viên có trách nhiệm giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết.
- Các bên được tự thỏa thuận nên hương thức trọng tài rất phù hợp cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí và sự thoải mái.
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định: “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Điều đó đồng nghĩa với việc Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết thì phán quyết đó có hiệu lực thi hành ngay, các bên không được quyền kháng cáo lên Trọng tài cấp trên hoặc ra Tòa án. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền yêu cầu Hủy phán quyết của Trọng tài tại Tòa án.
Nhược điểm:
- Chi phí Trọng tài thường cao hơn Tòa án.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm, nên trong trường hợp Trọng tài đưa ra phán quyết không chính xác sẽ gây ra hậu quả không đáng có cho các bên. Các bên có thể đề nghị hủy phán quyết tại Tòa án nhưng sẽ dẫn đến việc mất thời gian, chi phí, công sức hơn.
4.3. Phương thức giải quyết bằng Tòa án
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục tiến hành:
- Giai đoạn thứ nhất: Khởi kiện và thụ lý
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Giai đoạn hai: Hòa giải và chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án về tranh chấp về kinh doanh thương mại là 02 (hai) tháng kề tử ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 (một) tháng.
Giai đoạn ba: Giai đoạn xét xử
Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm. Nếu bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án sẽ tiến hành Xét xử phúc thẩm, xét xử lại vụ án.
Ưu điểm:
- Giải quyết tranh chấp bằng tòa án được coi là có thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị thi hành cao; thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.
- Quá trình giải quyết thông qua hai cấp xét xử là Sơ thẩm và Phúc thẩm. Việc áp dụng hệ thống hai cấp xét xử tạo cơ hội để có thể sửa chữa những thiếu sót, sai lầm của các bản quyết định ở cấp sơ thẩm, tạo tâm lý yên tâm hơn cho các doanh nghiệp so với phương thức giải quyết bằng trọng tài (quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và không thể thay đổi hay sữa chữa được).
- Việc xét xử công khai ở Tòa án sẽ có tính răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động liên loan đến tranh chấp nội bộ công ty. Các doanh nghiệp khác cũng có thể biết được và phòng tránh được phần nào rủi ro cho doanh nghiệp của mình.
Nhược điểm:
- Thời gian tố tụng kéo dài và thủ tục tố tụng phức tạp, có thể gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Có tính chất giải quyết công khai nên những vấn đề về bí mật kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp trên thường trường không được đảm bảo.