Căn cước công dân bị sai quê quán làm lại thế nào?

Thứ năm - 12/01/2023 05:03
Căn cước công dân bị sai quê quán làm lại thế nào?
Căn cước công dân bị sai quê quán làm lại thế nào?
Căn cước công dân bị sai quê quán là một trong những trường hợp công dân cần đi làm lại, cấp đổi thẻ Căn cước. Sau đây là các thông tin hữu ích mà bạn đọc cần biết khi bị sai thông tin trên thẻ Căn cước công dân.

 MỤC LỤC BÀI VIẾT 

1. Thẻ Căn cước bị sai thông tin phải làm thủ tục gì?

Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân là một trong những trường hợp người dân được yêu cầu đổi thẻ Căn cước công dân. Cụ thể, khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân năm 2014 quy định:

1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

Như vậy, khi phát hiện ra thông tin trên thẻ Căn cước công dân có sai sót, để không ảnh hưởng tới các giao dịch, thủ tục phải dùng đến thẻ Căn cước, người dân phải đi đổi thẻ Căn cước mới.

Các trường thông tin thể hiện trên thẻ Căn cước công dân gồm có:

  • Số thẻ Căn cước công dân

  • Họ và tên

  • Ngày tháng năm sinh

  • Giới tính

  • Quốc tịch

  • Quê quán

  • Nơi thường trú

  • Đặc điểm nhận dạng

  • Ngày cấp.

Như vậy, với các trường hợp Căn cước công công dân bị sai quê quán, Căn cước công dân sai ngày sinh… người dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân.

 

2. Căn cước công dân bị sai quê quán làm lại thế nào?

Thủ tục làm lại Căn cước công dân bị sai quê quán cũng chính là thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước. Cụ thể:

2.1. Thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân

Căn cứ Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân được thực hiện theo các bước:

Bước 1: Người dân yêu cầu đổi thẻ Căn cước

Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để yêu cầu đổi thẻ Căn cước và làm thủ tục.

Trường hợp người dân đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì phải đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị đổi thẻ. Hệ thống sẽ tự động chuyển yêu cầu đổi thẻ Căn cước của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.

Bước 2: Thu nhận thông tin công dân

Cán bộ Công an tiến hành thu nhận thông tin công dân bằng cách:

- Tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Lựa chọn loại cấp Căn cước và mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân; thu nhận vân tay của công dân;

- Chụp ảnh chân dung;

- In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có), Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên;

- Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

Bước 3: Thu lại Căn cước công dân bị sai thông tin

Bước 4: Trả thẻ Căn cước công dân mới

2.2. Lệ phí đổi thẻ Căn cước công dân

Tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định, công dân có yêu cầu đổi thẻ Căn cước công dân bị sai quê quán, thông tin phải nộp lệ phí là 50.000 đồng/thẻ.

Riêng trường hợp đổi thẻ Căn cước khi có sai sót về thông tin do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí (theo điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 59).

 

3. Quét mã QR Căn cước công dân bị sai số CMND phải làm thế nào?

Trong trường hợp quét mã QR của thẻ Căn cước công dân nhưng không ra số Chứng minh nhân dân hoặc số Chứng minh nhân dân bị sai, người dân không cần thiết phải đi làm lại Căn cước mà có thể nhanh chóng khắc phục bằng cách:

- Liên hệ với cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Căn cước công dân để bổ sung, cập nhật thông tin.

- Hoặc sử dụng giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân:

Việc cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân được quy định tại khoản 4 Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA, sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA như sau:

a) Khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ CCCD.

Trường hợp cơ quan quản lý CCCD của Bộ Công an, cơ quan quản lý CCCD của Công an cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thì đề nghị cơ quan quản lý CCCD của Công an cấp tỉnh nơi công dân đăng ký thường trú xác minh. Sau khi có kết quả xác minh thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu thông tin hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ trình thủ trưởng đơn vị ký Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và trả cho công dân cùng với thẻ CCCD; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Trường hợp công dân đã được cấp thẻ CCCD nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân hoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân thì thực hiện như sau:

Công dân có văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ CCCD, bản sao Chứng minh nhân dân 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quản lý CCCD nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tác giả: Biên tập

Nguồn tin: Tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

VIDEO CÁC HOẠT ĐỘNG

DỊCH VỤ CHÍNH

TƯ VẤN NHANH

Tư vấn chung


Tư vấn Doanh nghiệp


Thích Fb của Hanel

THỐNG KÊ

  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay1,140
  • Tháng hiện tại27,633
  • Tổng lượt truy cập568,823
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây